Mô hình "Làng/xã thông minh" trong xây dựng Nông thôn mới

"Làng/xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới là đưa công nghệ số vào cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị. Xu hướng chuyển đổi số  đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xây dựng “làng/xã thông minh”, hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) suốt quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bao gồm: Xây dựng chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Mô hình “xã thông minh - nông thôn mới thông tin” tại Huế. Nguồn: Hueict

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đưa nội dung về công nghệ số trong nông thôn mới thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021 - 2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý. “Trong Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện.

Mô phỏng “làng thông minh“. Nguồn: nongnghiepso.com

 

Mô phỏng “làng thông minh“. Nguồn: nongnghiepso.com

Về kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý trực tuyến về du lịch cộng đồng. Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương.

Làng thông minh (Smart Village) hay nói rộng hơn là cộng đồng thông minh, ứng dụng công nghệ kết nối để có nông nghiệp thông minh, du lịch truyền thống phù hợp phong cách du lịch mới (đặt tour, homestay, du lịch cộng đồng, ẩm thực, thanh toán không tiền mặt… qua internet), môi trường được quan trắc, giám sát và báo cáo hàng ngày, sức khoẻ người dân và du khách được đảm bảo (y tế thông minh)…, Vì vậy "Làng thông minh" cần một thiết chế được số hoá có khả năng quản lý và vận hành các đối tượng trong đó để đảm bảo được sự phát triển của mình bằng các giá trị truyền thống kết hợp với công nghệ.

Mô hình thí điểm "Làng/xã thông minh"

"Làng/xã thông minh" tổng thể là mô hình phát triển tối ưu, là đích phát triển của khu vực nông thôn trong tương lai. Tuy nhiên để có thể phát triển một mô hình toàn diện đòi hỏi nguồn lực con người, tài chính và thời gian chuyển biến, áp dụng, và thích nghi một cách phù hợp. Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Ðằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp); xã Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)... Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công...
Thực tế triển khai thí điểm mô hình “làng thông minh” cho thấy còn tồn tại một số bất cập trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí cụ thể, quy trình xây dựng làng thông minh. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung dẫn đến việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số còn hạn chế.
Việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số chưa phù hợp điều kiện hạ tầng, văn hóa, canh tác, sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực nhiều khu vực nông thôn còn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn còn thấp cho nên việc tiếp thu kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu...
Mặc dù còn những khó khăn, nhưng việc nhân rộng mô hình “làng/xã thông minh” là cần thiết, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, vừa đáp ứng xu thế xã hội. Nhìn sang các nước phát triển, nhất là khu vực châu Âu, việc xây dựng “làng thông minh” từ lâu đã được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn. Ðây cũng là giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang đặt ra ở khu vực nông thôn như sự già hóa dân số, mức độ cô lập với các khu vực thành thị, khả năng tiếp cận dịch vụ công...
Từ những kinh nghiệm thực tế khi thực hiện thí điểm mô hình “làng thông minh” trong nước cùng với việc học hỏi từ các nước trên thế giới, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp tìm các giải pháp phù hợp để xây dựng và nhân rộng mô hình này ở Việt Nam.
Trong đó vấn đề nòng cốt là hình thành được đội ngũ nông dân số, có trình độ, năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin để làm chủ được công nghệ, giúp tăng hiệu quả tiếp thu và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, việc ứng dụng, chuyển đổi số ở khu vực nông thôn cần phù hợp tập quán, đời sống văn hóa cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội; tránh áp dụng cứng nhắc một mô hình mà cần linh hoạt theo điều kiện từng địa phương./.